Toplist

Top 10 Món Ngon Sài Gòn Thơm Ngon Khó Cưỡng Nhất Định Phải Thử

322

Sài Gòn không chỉ nổi tiếng bởi những trung tâm mua sắm sầm uất, nhộn nhịp mà còn được biết đến với một nền ẩm thực đa dạng, phong phú. Văn hóa ẩm thực Sài Gòn được người ta so sánh như một ”nồi lẩu thập cẩm”, nơi hội tụ và giao thoa của nhiều nét văn hóa cổ xưa và hiện đại, Đông – Tây. Cũng chính vì điều này mà ẩm thực nơi đây đang ngày càng thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách trong nước và quốc tế. Hãy cùng nhahangminhkhue.com khám phá xem món ngon Sài Gòn có những gì nhé!

Top 10 món ăn đậm chất Sài Gòn bạn nên thử

Cơm tấm Sài Gòn

Cơm tấm là một trong những món ngon tiêu biểu nhất của Sài Gòn, là một phần không thể tách rời với người dân nơi đây. Tại sao cơm tấm lại giữ vị trí như vậy? Đơn giản là bởi những người sinh sống nơi đây có khả năng đặc biệt là họ có thể ăn món này từ bữa sáng, bữa trưa cho đến bữa tối không thấy ngán. Thậm chí cơm tấm còn là sự lựa chọn tuyệt vời cho những bữa ăn khuya, nhất là những người phải tăng ca, đi làm đêm.

Một đĩa cơm tấm đầy đủ sẽ chứa rất nhiều nguyên liệu khiến bạn thích thú. Đầu tiên tất nhiên là phải có cơm tấm rồi. Tiếp đến đến là thịt sườn được nướng vàng óng một lớp mỡ, thơm ngon đậm đà trông thật là hấp dẫn. Trứng ốp la, chả trứng, lạp xưởng và chút đồ chua ăn kèm như dưa muối, dưa góp sẽ làm món ăn trở nên xuất sắc hơn. Để phần cơm trở nên bắt mắt, người ta sẽ rưới thêm một chút tóp mỡ hay mỡ hành thơm nức mũi.

Không chỉ đầy đặn và đẹp mắt, cơm tấm còn mang trong mình một hương vị đặc biệt mà du khách một khi đã ăn rồi thì sẽ nhớ nhung mãi cả một đời. Với cơm tấm, mọi sự sáng tạo đổi mới nằm gọn trong chén nước mắm dùng kèm được pha với những cách khác nhau tùy người tùy chỗ. Nước mắm ngọt thấm quyện đều vào từng hạt cơm hòa với sự béo ngậy của mỡ hành mang tới một hương vị đặc biệt mà khó ai có thể cưỡng lại nổi. Đặc biệt là phần thịt nướng được tẩm ướp gia vị một cách kĩ lưỡng nướng trên bếp than hồng bập bùng càng quyến rũ ánh nhìn của du khách khi tới đây ăn. Cách làm cầu kì và tỉ mỉ như vậy đã cho thấy một góc độ nào trong sự khó tính của những người sành ăn.

Giá một phần cơm tấm thông thường sẽ dao động từ 25.000 – 40.000 đồng là vừa vặn cho một bữa ăn chất lượng. Ở Sài Gòn có rất nhiều địa chỉ bán cơm tấm cực ngon nhưng nếu chỉ chọn một nơi thì bạn nên ghé qua số 113 Nguyễn Phi Khanh ở quận 1. Nơi đây lúc nào cũng đông nghịt khách ra vào và tới cả những người khó tính nhất cũng tấm tắc khen ngon. Đặt chân tới mảnh đất Sài Gòn đầy nắng gió rồi thì đừng ngần ngại mà hãy thưởng thức một đĩa cơm tấm Sài Gòn thơm ngon nhé.

Bánh canh Sài Gòn

Bánh canh vốn dĩ là món ăn có nguồn gốc từ Tây Ninh nhưng giờ đây nó đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân Sài Gòn. Bánh canh đã đi vào danh sách ẩm thực phong phú, đa dạng của Sài Gòn và thu hút được nhiều sự quan tâm của du khách khi ghé thăm nơi đây.

Thoạt nhìn qua có thể thấy rằng nguyên liệu làm bánh canh khá đơn giản, chỉ bao gồm móng giò và thịt nạc. Tuy nhiên sự hấp dẫn, tinh tế ẩn chứa bên trong các nguyên liệu mà chỉ khi nếm thử một miếng, người ăn mới có thể cảm nhận được hết hương vị vô cùng đặc biệt của bánh canh. Những miếng thịt luộc để dùng kèm với bánh canh thường là đùi heo chắc thịt, được luộc chín mềm thơm phức nhưng không bị nát tươm. Những sợi bánh canh trắng ngần dẻo ngon được chế biến từ gạo nàng thơm, sau ép thành những cọng bánh canh dẻo nhưng vẫn dai, ngọt thơm, trắng muốt.

Điểm nhấn để quyết định độ ngon của món bánh canh này chính là nước dùng. Nước dùng thường được nấu từ nước ninh xương rất lâu nên nước cực kì ngọt. Phần nêm nếm cũng quan trọng không kém, bởi đây chính là gia vị, là “linh hồn” của bát bánh canh. Sợi bánh dù có dẻo dai, tuyệt hảo đến mấy mà nước dùng không đậm đà, trọn vị thì cũng xem như đã thất bại.

Có nhiều người khi thưởng thức món bánh canh đều đã phải gật gù nhận xét rằng “Ăn tô bánh canh này không khác gì ăn bữa cơm hàng ngày cùng với thịt, nước chấm, gia vị, rau thơm… nhưng ăn tô bánh canh lại thấy thú vị hơn nhiều so với dùng bữa cơm”. Nếu muốn thưởng thức món bánh canh này ngon nhất, du khách có thể cân nhắc ghé qua Bánh Canh Trảng Bàng tại số 70 Võ Văn Tần, phường 5, quận 3 hoặc sô 180 Lý Thái Tổ, phường 1, quận 3 để thưởng thức nhé. Chỉ với 30.000 – 50.000 đồng/bát, ta có cảm nhận được vị ngọt thơm của nước dùng, cái độ dai, mềm của sợi bánh, vị cay của ớt, vị chua của chanh cùng với vị mằn mặn của nước mắm. Điều này chắc chắn sẽ khiến cho bạn phải xuýt xoa, trầm trồ, ăn một lần và nhớ mãi.

Hủ tiếu Nam Vang

Hủ tiếu vốn dĩ là một món ăn của người Tàu được du nhập vào vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở Sài Gòn, quán hủ tiếu được bày bán khắp nơi nên món này dần trở thành khẩu vị chính không thể thiếu trong cuộc sống hằng thường của người dân Nam Bộ.

Người dân nơi đây đã nấu hủ tiếu bằng nước xương ống của heo cùng với một ít tôm he khô, mực khô để lại một thứ nước dùng màu vàng nhạt trong vắt, ngọt lịm. Bạn cũng có thể dễ dàng thấy, trải lên sợi bánh là gan tim, thịt nạc, tôm tươi ngon vừa luộc chín nên thịt có vị ngọt tự nhiên.

Hủ tiếu Nam vang có mùi vị độc đáo nổi tiếng là do món ăn này được nêm vào một vài muỗng tỏi được giã nhuyễn ngâm dấm. Tô hủ tiếu múc ra bát nghi ngút khói. Chìm dưới làn nước dùng trong veo là sợi bánh trắng ngần, tô điểm tim gan, vài lát thịt cùng với màu đo đỏ của những con tôm ẩn mình dưới vài cọng hành lá xanh ngắt. Cho thêm vài lát ớt chín vàng và rưới vào bát vài muỗng tỏi ngâm hòa cùng với lá hẹ tạo nên một tổng thể hài hòa về màu sắc.

Hủ tiếu đã trở thành khẩu vị quen thuộc của chốn sầm uất và đông đúc bậc nhất cả nước, góp phần làm phong phú thêm nền ẩm thực đặc trưng của Sài Thành. Có rất nhiều quán hủ tiếu được mở bán ở Sài Gòn, chỉ dao động trong khoảng từ 45.000 đồng – 50.000 đồng/bát. Bạn có thể đến quán hủ tiếu Nam Vang số 389 Võ Văn Tần, quận 3 hoặc gọi một bát hủ tiếu ở Hủ tiếu Liến Húa nằm ở 312 An Dương Vương để thưởng thức món này một cách trọn vị nhé.

Phá lấu Sài Gòn

Phá lẩu là món ăn quen thuộc phổ biến của người Hoa và từ lâu cũng là món ăn vặt ngon miệng dân giã của người dân Sài Gòn. Đây là món ăn có nguyên liệu rất đặc biệt – nội tạng của động vật, trong đó phá lấu bò là món ăn được yêu thích hơn cả. Phá lấu có sức hút kì diệu không chỉ đối với những cô cậu học trò nhỏ mà còn cả giới sinh viên hay công chức.

Nồi nước phá lấu bao gồm các gia vị đặc trưng như ngũ vị hương, bất giác, đại hồi, quế chi… cùng một số vị thuốc bắc. Phần thịt có thể là từ lưỡi, ruột, tai cho đến dạ dày heo. Khi tới quán chuyên bán món này, bạn sẽ thấy nồi phá lẩu lúc nào cũng được đun sôi sùng sục và có vị nước dừa thoang thoảng quanh mũi. Trước khi mang ra cho khách, người bán sẽ dùng kéo cắt nhỏ những miếng phá lấu cho vào bát rồi mới chan nước dùng vào.

Một bát phá lấu đã đủ thơm ngon nhưng nó sẽ trở nên đặc biệt hơn khi được ăn kèm với nước chấm mắm ớt chua chua ngọt ngọt chỉ nhìn thôi đã muốn húp trọn bát. Mùi thơm của nước mắm đặc trưng hòa quyện chút vị cay của ớt chắc chắn sẽ khiến bạn nhớ món này mãi. Phá lấu có thể ăn kèm với mì tôm hoặc bánh mì không đều rất ngon.

Đây cũng là món ăn mà chỉ có ở duy nhất mảnh đất Sài Gòn có nên đó là món ăn đường phố rất đặc trưng, rất “Sài Gòn” mà bạn nên thử một lần. Bạn có thể tới khu sinh viên ở quận 4 hoặc ghé ăn Phá Lấu Dì Nủi ở 243/30 Tôn Đản, phường 15, quận 4. Giá cho món ăn này cũng rất hợp lý, vừa với túi tiền của đại đa số mọi người, chỉ từ 15.000 – 20.000 đồng. Chắc chắn ăn một miếng phá lấu sẽ khiến bạn “thòm thèm”, muốn ăn hết cả bát và thậm chí còn muốn ăn đến lần 2, lần 3 nữa cơ.

Bánh mì kẹp

Có thể nói, bánh mì là một trong những món ăn đường phố quen thuộc và phù hợp nhất với nhịp sống nhanh lẹ, tất bật của người Sài Gòn nói riêng. Bánh mì kẹp  tưởng như rất bình thường nhưng giờ đây cũng làm “đốn tim” biết bao du khách nước ngoài ghé thăm. Bánh mì có mặt ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam nhưng hương vị của bánh mì Sài Gòn vẫn có hương vị gì đó khác với các tỉnh thành khác.

Khác biệt lớn nhất ở đây chính là lớp vỏ bánh mì vàng ươm, giòn dụm chứ không mềm xốp. Lớp ruột mềm mại bên trong bánh thấm đều mùi vị của những lát chả lụa cắt mỏng, của thịt mỡ thơm phức, của bơ và pate bùi bùi cùng với mùi thơm của các loại rau như rau hành, dưa leo và vị cay nồng của ớt. Tất cả tạo nên một sự hòa quyện tinh tế và tuyệt hảo giữa ẩm thực phương Tây và những nét tinh túy trong ẩm thực Việt Nam.

Điều đặc biệt khi thưởng thức bánh mì Sài Gòn là một hương vị mà không thể nhầm lẫn với những món ăn đường phố khác. Đó là mùi thơm nhẹ và cay nồng của ớt. Nên nếu là một người không ăn được cay, hãy hỏi kĩ trước người bán hàng để họ có thể điều chỉnh lượng ớt phù hợp với khẩu vị của mình nhé.

Bánh mì kẹp nằm trong top đầu những món ăn đường phố được du khách ở khắp mọi nơi ưa chuộng. Vì vậy mà bạn sẽ dễ dàng bắt gặp được những hàng người xếp hàng từ sáng sớm để mua một ổ bánh mì trên khắp các nẻo đường, ngõ ngách của Sài Gòn. Quán nổi tiếng nhất mà bạn có thể ghé qua là bánh mì Huỳnh Hoa – tiệm bánh mì Sài Gòn được nhiều blogger người nước ngoài yêu thích và đem hình ảnh ra thế giới với giá là 37.000 đồng/ổ. Nhưng “đắt xắt ra miếng”, bánh mì nơi đây sẽ không làm bạn thất vọng đâu. Nếu muốn tiết kiệm hơn thì bạn cũng có thể ghé qua tiệm bánh mì Bảy Hổ ở đường Huỳnh Khương Ninh, quận 1 hoặc quán bánh mì mang tên Hòa Mã ở hẻm 53 Cao Thắng, quận 3. Chỉ với 15.000 đồng – 25.000 đồng/ổ thật vừa túi tiền với tất cả mọi đối tượng.

Bánh tráng trộn

Bánh tráng trộn là món ăn vặt có nguồn gốc từ món bánh tráng muối tôm của tỉnh Tây Ninh. Nhưng khi được mang đến Sài Gòn thì nó lại trở thành một trong số những món ăn vặt có nguyên liệu chế biến cực kì đơn giản và dễ làm nhưng lại rất lạ miệng và ngon. Chỉ cần nguyên liệu đơn giản như bánh tráng cắt sợi nhỏ, trộn với trứng cút, tôm khô chiên mỡ hay đu đủ chua sợi, rau răm, lạc rang… tùy theo người bán nhưng chắc chắn không thể không trộn đều với nước mắm sốt me ngọt và một loại rau đặc trưng – rau răm. Những thứ nhỏ bé này mang lại cho món bánh tráng trộn một hương vị thơm ngon, đưa miệng, ăn mãi không chán.

Bạn có thể tìm món bánh tráng trộn quen thuộc này ở dọc phố đi bộ Nguyễn Huệ hoặc thậm chí là ở mọi cổng trường học hay công viên. Với giá “rẻ bèo” từ 10.000 đồng – 20.000 đồng, bạn đã có thể sở hữu cho mình một gói bánh tráng cực ngon. Một gói bánh tráng trộn chuẩn vị ở Sài Gòn bây giờ được trộn với không dưới 10 thành phần nguyên liệu. Đưa một miếng bánh tráng trộn vào miệng, bạn sẽ cảm nhận đủ vị chua, cay, mặn, ngọt hòa quyện vào nhau thật hài hòa. Nếu đang băn khoăn mua gì cho crush hoặc người yêu thì bánh tráng trộn cũng là một món ăn nên được ưu tiên hàng đầu đấy nhé.

Gỏi cuốn Sài Gòn

Gỏi cuốn là thứ đồ ăn được ưa chuộng từ rất lâu ở Sài Gòn bởi món ăn này dễ ăn với tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Cũng giống như phở cuốn, gỏi cuốn có thể ăn giữa buổi trong các cuộc tụ tập với bạn bè hoặc cũng có thể thay thế cho bữa ăn chính cũng vẫn là “no nê”.

Gỏi cuốn được chế biến từ 5 nguyên liệu chính là bánh tráng, bún, thịt, tôm và rau sống. Thịt heo ba chỉ vừa nạc vừa mỡ, tôm luộc hoặc hấp có màu đỏ tươi trong rất đẹp, thêm một ít bún tươi, giá đỗ, rau thơm… tùy ý rồi dùng bánh tráng cuốn một lớp ở bên ngoài, nhìn trông thật thơm ngon và hấp dẫn. Vì thế người cuốn gỏi cũng phải là một người cực khéo tay bởi nếu không gói chắc tay, gỏi sẽ bị bung và vỡ.

Gỏi cuốn là món ăn dễ ăn, đưa miệng, giá cả cũng rất hợp lý chỉ 3.000 – 9.000 đồng/cuốn. Ăn cùng gia đình hoặc bạn bè trong một buổi đi chơi nho nhỏ cũng đã thấy no căng rồi. Cắn một miếng gỏi rồi cảm nhận cái mùi vị đặc trưng của ẩm thực Sài Gòn chắc chắn sẽ khiến bạn vương vấn mãi không thôi.

Bò bía Sài Gòn

Nghe tới bò bía, mọi người ắt hẳn sẽ nghĩ tới món bò bía cuộn với dừa cực nổi tiếng ở Hà Nội mà đi dọc Hồ Tây, bạn sẽ thấy những cô những chú đạp xe chở thùng để làm bò bía ở phía sau. Nhưng không, bò bía Sài Gòn lại không phải như thế. Đó là món ăn bình dị kiểu khác và cách làm cũng vô cùng đơn giản nữa.

Cuốn hỗn hợp củ sắn, xà lách, tép khô, rau thơm, trứng, lạp xưởng trong một chiếc bánh tráng mỏng là đã có một phần bò bía thơm ngon đúng vị. Đặc biệt, muốn có một cuốn bò bía ngon, không thể bỏ qua nước chấm ăn kèm. Nhưng không phải nước chấm có mắm thông thường chúng ta thấy mà là tương hột được chưng lên. Nước chấm có sự hòa trộn vừa vặn giữa vị ngọt của đường và vị hơi cay cay của ớt. Nếu ăn lần đầu có thể bạn sẽ thấy vị lạ và chưa quen cho lắm nhưng đã ăn 3-4 miếng rồi thì rất khó có thể quên được hương vị của loại nước chấm đặc biệt này.

Nếu có dịp ghé thăm Sài Gòn, bạn hãy thử đến đường Đinh Tiên Hoàng. Nơi đây có một hàng bò bía 15 năm tuổi của cô Lý. Ngày nào cô cũng bán đắt hàng, đông nghịt người tới ăn. Chỉ mất 4.000 đồng – 8.000 đồng/cuốn nhưng bạn sẽ cảm nhận hương vị đặc biệt của món ăn này. Hương vị của nó chắc chắn khác với ngoài Bắc rất nhiều.

Bắp xào Sài Gòn

Khi đi dạo trên đường phố Sài Gòn, có bao giờ bạn để ý những chiếc xe đẩy lưu động không. Đấy chính là xe có bán món ăn vặt  đường phố vô cùng thân thuộc mà nếu chỉ cần vô Sài Gòn thôi, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp ở khắp mọi nơi cái xe bán “bắp xào”- món ăn thơm ngon mà ít người biết tới.

Chỉ cần đi lướt qua chiếc xe bắp xào, mùi thơm ngậy ngậy beo béo của bơ quyện với mùi hành nóng có sức quyến rũ rất kì diệu, khiến nhiều người phải dừng xe lại ngay lập tức và sà vào mua ngay một hộp. Cầm một hộp bắp xào nóng hổi tnghi ngút khói rên tay, từng hạt bắp vàng quyện với bơ và mỡ hành, kèm theo vài con tép nhỏ ăn mặn mặn rất lạ và ngon.

Nếu bắt gặp chiếc xe này trên đường thì đừng chần chừ gì mà chạy tới, bỏ ra 15.000 – 25.000 đồng và nói “cho cháu một hộp bắp xào nha”. Chắc chắn bạn sẽ không thất vọng, thậm chí tấm tắc khen ngon và còn muốn quay lại đây để được cầm trên tay rồi thưởng thức nó một lần nữa.

Chè Sài Gòn

Hầu hết mọi ngóc ngách ở mảnh đất Sài Gòn này đều có bóng dáng thân thương của những quán chè đầy màu sắc. Chè là thứ món ngọt cực kì phổ biến và được ưa chuộng rộng rãi trong văn hóa ẩm thực của người Việt Nam, thường được xem như một món tráng miệng ngon lành. Chè là món ăn rất phong phú về thể loại cũng như cách chế biến như: chè Thái, chè Nam Bộ, chè Huế…Vì vậy, nguyên liệu để làm nên một chén chè thơm ngon, ngọt ngào cũng nhiều vô số kể, từ các loại đậu, hạt, ngũ cốc đến các loại trái cây khác nhau.

Khu vực quận 5 và quận 6 của thành phố Hồ Chí Minh là nơi sinh sống chủ yếu của người Hoa. Do đó, nơi đây thường bày bán rất nhiều quán chè Tàu, phân bố rải rác trên nẻo đường khắp cả hai quận. Các món chè vừa ngon vừa lạ mà lại cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, có tác dụng thanh nhiệt cơ thể trong cái nóng quanh năm của Sài Gòn. Có thể kể đến như chè hột gà, chè sâm bổ lượng… Điểm khác biệt lớn nhất ở các món chè Tàu với những nơi khác là không có nước cốt dừa đi kèm. Do đó, bạn có thể cảm nhận được vị thuần khiết của các nguyên liệu có trong chè.

Còn ở các quận khác, hầu hết những quán chè đều mang hương vị dân dã đặc trưng của miền Nam Bộ với đủ loại chè trôi nước, chè đậu xanh, chè chuối, chè bưởi… Ngoài ra còn có một số loại chè du nhập từ Thái Lan. Chúng mang mùi vị đặc trưng riêng, chất chứa trong từng muỗng chè sẽ khiến cho những tín đồ đồ ngọt khó lòng mà cưỡng lại. Ở bất cứ ngõ ngách nào của Sài Gòn cũng sẽ có chè. Giá cả lại rất vừa vặn hợp lý, trung bình dao động từ 15.000 – 30.000 đồng/ly. Nếu bạn có tới Sài Gòn thì đừng quên thưởng thức một cốc chè bất kì nhé.

Trên đây là top 10 món ngon Sài Gòn được chọn lọc kĩ càng để bạn đọc có thể chọn lựa và thưởng thức. Dạo chơi Sài Gòn vào những ngày nắng nóng oi bức mà được ăn những món ăn trên thì quả thực không có gì sánh bằng!

0 ( 0 bình chọn )

Nhà hàng Minh Khuê

https://nhahangminhkhue.com
Nhà hàng sân vườn Minh Khuê là lựa chọn lý tưởng cho những bữa tiệc gia đình, họp mặt, liên hoan, sinh nhật

Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm